Bàn về nghề thu nợ

Bàn về nghề thu nợ

Đề dẫn của Hải viết

Trước tiên, để nói về đề mục này là bản đề dẫn nhằm nêu ra một chủ đề mới, đưa ra những nhận nhận định mang tính mở đầu, để mọi người cùng thảo luận. Đương nhiên, các nội dung tại đề đẫn này không nhằm đóng khung các và giới hạn sự thảo luận của các bạn. Mặt khác, cũng không nhằm mục đích định hướng hay khẳng định hoặc kết luận. Các nội dung được thảo luận có thể được điều chỉnh hoặc thay thế tuỳ theo sự khúc khuỷu cuủa cảm xúc và con đường tư duy của các bạn.

 Nghề Thu nợ, tôi không biết chính xác bắt đầu có từ bao giờ nhưng có lẽ từ lúc con người biết vay mượn nhau rồi không muốn trả. Theo thiển ý cuủa mình, tôi nghĩ nghề thu nợ chắc nghề chọn người vì chẳng ai từ thuở tấm bé lại có ước mơ khi lớn lên sẽ trở thành người đi thu nợ. Nghề gì mà từ ngay cái tên đã thấy thiếu thiện cảm, rồi biết trả lời sao khi ba mẹ người yêu hỏi cháu làm nghề gì? 

Vậy nghề thu nợ có cần cho xã hội không? Xin thưa, quá cần đi chứ. Vậy chắc nghề thu nợ được trọng dụng lắm? Xin thưa, hên – xui. Nếu các bạn hơi có cảm giác hoang mang khi đọc đến đây thì tôi xin đưa ra ngay một hình ảnh để bạn dễ hình dung, có người từng có thâm niên trong nghề thu nợ đã từng nhận xét thế này: “Người làm nghề thu nợ như cây tăm xỉa răng, lúc cần thì mục mực không thể thiếu, nhưng đến lúc xong việc rồi thì cũng chẳng ai đếm xỉa gì nữa”

Vậy tại sao phải chọn nghề thu nợ?

Như tôi đã nói ở trên, nghề này chọn người, chứ có người nào muốn chọn

Vậy tại sao phải làm?

Trước tiên, đó là vì kế mưu sinh, nhu cần cần một công việc lương thiện, có thu nhập trước là để nuôi sống bản thân, kế sau là ít nhiều phần nào chăm lo được cho gia đình. Nói vậy thì khác nào nghề thu nợ là một lưựa chọn thứ yếu mà người ta phải miễn cưỡng chấp nhận khi chưa tìm được công việc nào tốt hơn.

Nói vậy cũng có thể đúng, nhưng chưa đủ, theo ý tôi, nghề nghiệp nào cũng quý vì phải lao động để kiếm thu nhập chính đáng, nếu mở rộng ra, chịu khó bỏ công tìm tòi, quan sát, tận tậm thực hành, dày công suy nghĩ sáng tạo thì ít nhiều cũng sẽ tích luỹ kinh nghiệm và vốn sống cho bản thân. Nếu nhìn một cách toàn diện, người thu nợ giống như một thuyết khách, dùng khả năng thương thuyết của mình, đại diện cho chủ nợ để thuyết phục con nợ phải trả.

Như vậy, đối tượng tiếp xúc chính và thường xuyên của nghề thu nợ là con người với sự, đa dạng về giai tầng, địa vị, nghề ngiệp, phong phú về địa lý, văn hoá. Có thể là một ông cán bộ, một cậu doanh nhân, một chị nhân viên văn phòng làm việc trong một cao ốc hiện đại nơi phồn hoa đô hội, một chú nông dân tay lấm chân bùn miệt mài tại một miền xa hẻo lánh đến anh lái xe mải miết trên những cung đường, thôi thì muôn hình vạn trạng. Mỗi người lại có những câu chuyện hoàn cảnh khác nhau, với bấy nhiêu hoàn cảnh là chừng ấy cách tiếp cận. Chính vì sự đa dạng đến mức phức tạp của những người mà ngừời thu nợ phải tiếp xúc không chỉ đòi hỏi người thu nợ không chỉ cần nắm vững kiến thức chuyên môn về loại nợ mình thu mà phải có kiến thức tổng quan về xã hội, am hiểu văn hoá và tập quán. 

Nếu như người bán hàng – ta vẫn hay quen gọi là dân Sales có một bí kiếp gói gọn trong 3 chữ: Bạn – Bàn – Bán. Để bán được hàng trước tiên phải làm bạn với khách hàng để kéo họ ngồi xuống cùng bàn luận với mình, khéo léo đưa món hàng muốn bán lồng ghép vào câu chuyện với khách hàng rồi mới có thể bán được. Món hàng cần bán có giá trị càng cao thì phải làm làm bạn càng thân để bàn càng lâu. 

Nhìn lại, nghề thu nợ cũng không khác gì mấy. Cái kiểu thu nợ theo lối hầm hố, doạ nạt quát mắng, gây áp lực thậm chí dùng vũ lực phải xem là cách thu nợ thiếu văn hoá mà nghiêm trọng hơn có thể là phi pháp thì xin phép không bàn ở đây, chúng ta chỉ nói về cách thu nợ nhân văn. 

Nghề thu nợ không thể tồn tại nếu không có con nợ, vậy con nợ – họ từ đâu đến? Con nợ ban đầu có thể người thân, bạn bè, cộng sự làm ăn có đủ độ tin cậy để chủ nợ cho vay. Hoặc nếu chủ nợ hành nghề cho vay lấy lãi thì con nợ chính là khách hàng được xem xét hoặc thẩm định kỹ lưỡng. Con nợ ngay từ đầu được xác định là người có nhân thân tốt, điều kiện kinh tế đủ để trả nợ và điều kiện tiên quyết phải có ý thức trả nợ, chính vì vậy mà chủ nợ mới cho vay. Tin tôi đi, không ai ứng xử bừa bãi với tiền cuủa mình đâu, không ai cho người không có khả năng trả nợ vay đâu. Đến đây các bạn có thể hơi hoang mang, vì đâu mà con nợ tốt vậy mà lại có nợ để người thu nợ có việc làm. Nếu mọi chuyện trên đời đều êm đềm, con nợ cứ đều đặn trả nợ đúng hạn thì lấy đâu ra nghề thu nợ. Có đủ mọi lý do để con nợ không tiếp tục trả nợ, tỷ như kinh doanh thất bại, bản thân đột nhiên đổ bệnh nan y, gia đình gặp biến cố, tự nhiên đổ đốn chơi bời, cờ bạc, từ tác động ngoại cảnh đến thay đổi nội tại. Dù là nguyên nhân nào thì con nợ trước tiên rơi vào hoàn cảnh khó khăn, không còn kiếm đâu ra tiền để trả nợ. Thế là nhân viên thu nợ xuất hiện. Cũng phải thú thật rằng, hoàn cảnh đã khó khăn, bi đát mà còn lù lù xuất hiện một ông đến đòi nợ, tâm lý đương nhiên sẽ chuyển biến từ lo lắng đến khó chịu rồi có thể bực tức đến mức có thể xả cơn giận vào ông đến thu nợ đó.

Đến đây phải nói ngay là nghề thu nợ tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng chứ chẳng chơi. Để hoá giải được nguy hiểm tiềm ẩn đó, ngoài trừ đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn, am hiểu phong tục như đã nói ở trên, người thu nợ phải cần có đức tính bình tĩnh trước mọi tình huống, khéo léo trong cách tiếp cận, có khả năng dẫn dắt và làm chủ tình huống. 

Với những đức tính như vậy người thu nợ vận dụng vào công việc của mình như thế nào. Trước tiên, phải đặt mình vào vị trí và hoàn cảnh của con nợ. Kế đến phải chia với những khó khăn mà con nợ đang gặp phải để tạo sự đồng cảm. Tiếp theo phải suy nghĩ thật nhanh những giải pháp khả thi để giúp con nợ giải quyết được khoản nợ đó. Sau đấy vận dụng kiến thức và am hiểu cuả mình để giúp con nợ lựa chọn được giải pháp tốt nhất. Cuối cùng hỗ trợ con nợ những điều kiền cần thiết để hoàn thành giải pháp khả thi được lưựa chọn.

Nói thì ngắn gọn chỉ đủ tóm tắt trong vài dòng nhưng thu nợ là cả một quá trình gian nan và vất vả với vô vàn chông gai và hiểm nguy. Nếu như xã hội vẫn trân trọng và tôn vinh nghề giáo và ví thầy cô giáo như những người đưa đò. Thì với nghề thu nợ, khi thực hành một cách nhân văn thì cũng có thể xem như những người đưa đò đưa những con nợ/khách nợ vượt qua khó khăn trả được nợ, hết chuyến này đến chuyến khác. Tôi xin mượn 4 câu thơ của nhà thơ Bảo Sinh để đóng lại phần đề dẫn này:

Cùng trên một chuyến đò ngang

Người thì sang bến, kẻ đang trở về

Đưa đò đưa mãi thành mê.

Sang về không biết mình sang hay về

Phần Toản viết.

Hẳn nhiên là nghề chọn người. Ngày tôi bắt đầu bước vào cánh cửa đại học – chuyên ngành luật, mong muốn nghề nghiệp của tôi là nghề Luật sư. Cái nghề mà sau này khi bắt đầu hành nghề tôi luôn cho rằng: “nghề bác sĩ là cứu sống tính mạng con người còn nghề luật sư là cứu cả cuộc đời một con người”. Rồi trời xui đất khiến thế nào tôi lại đi theo nghề thu nợ. Nói đến thu nợ nhiều người thường nghĩ đến hình ảnh của một thanh niên xăm trổ đầy mình ăn nói cục cằn vác theo dao kiếm… đi đòi nợ. Nhưng không, đó chỉ là mặt tối của xã hội với các hình thức đòi nợ thuê mà thôi. Nghề thu nợ mà tôi làm đến nay tôi vẫn cho rằng nó không phải là nghề đưa khách hàng vào con đường cùng mà là nghề nghiệp nếu bạn làm theo pháp luật, làm theo lương tâm thì nó còn là nghề tạo phúc cho khách hàng. Nói đến đây chắc bạn đang thắc mắc là tạo phúc như thế nào phải không ? Tạo phúc không phải lúc nào cũng phải ở dạng hành động tức là bạnphải cho ai đó một cái gì đó. Đối với nghề thu nợ, nếu con nợ đang có nợ, thay vì bạn ép người ta trả hết nợ ngay lập tức thì bạn tạo điều kiện cho họ trả nợ đó cũng là một cách để tạo phúc. Bởi Phật tổ dạy: ” Làm phúc từ việc cho người khác sự thuận lợi” A di đà phật.