Tấm thiệp mời trên bàn, thời gian địa điểm rõ ràng, lại một đám mừng ở trong làng, nhưng tên chú rể trên thiệp không phải là tên anh…Nghe đến đây, có lẽ các bạn thấy quen quen như lời một bài hát nào đó, nhưng xin thưa là không. Đó chỉ là mẫu trò chuyện của hai thanh niên tại quán trà đá vỉa hè trước cổng Toà Thuỷ Nguyên vào một buổi trưa mùa hè 2013 mưa như trút nước. Biết đâu đó là Phan Mạnh Quỳnh cũng lấy cảm hứng từ một câu chuyện tương tự để sáng tác bài “Vợ người ta” mà một dạo đã trở thành hit vì nói hộ nỗi lòng của bao thanh niên từ nông thôn đến phố thì khi lâm vào cảnh đưa người yêu sang ngang.
Đến đây, chắc các bạn lại thắc mắc bằng cơ duyên nào đưa tôi bắt gặp hai người thanh niên nọ trong buổi trưa oi ả nhưng ẩm ướt ấy.
Nghề thu nợ chắc không phải là lựa chọn hàng đầu của bất kỳ ai khi bước vào đời mưu sinh, nhưng nghề chọn người chứ mấy khi người chọn được nghề, nên nhiều lúc không muốn cũng không được. Đối với nghề này, đi công tác thường xuyên là lẽ đương nhiên mang tính chất đặc thù. Khi phải đi công tác thì việc sắp xếp thời gian và lộ trình là cả một kỹ năng cần được trui rèn, đặc biệt khi phải làm việc với các cơ quan công quyền thì kỹ năng đó phải được nâng lên thành một nghệ thuật mà người thu nợ phải như một nghệ sỹ chạy “sô” khi đang ở đình cao danh vọng. Phải am tường thói quen và văn hoá của nơi mình đến, ví dụ như điều tôi sắp nói dưới đây – khung giờ làm việc.
Không như ở Saigon, quanh năm bốn mùa như một với khung giờ làm việc bất biến, thì ở miền Bắc với bốn mùa biến đổi rõ rệt thì khung giờ làm việc được phân định hạ-thu và đông-xuân. Đấy có còn chưa kể ở một số nơi khung giờ đó đôi khi lại được co giãn theo tâm trạng mỗi người.
Ngày hôm đấy, vì có hẹn đến giao nộp bản khai và một số tài liệu tại Toà Thuỷ Nguyên nên tôi đã cố bắt chuyến bay sớm, khởi hành lúc 6g tại Tân Sơn Nhất để có thể đến Cát Bi lúc 8 giờ rồi di chuyển về Thuỷ Nguyên với quãng đường 20 km thì dự định hơn 9 giờ là đến được Toà, hoàn hảo cho buổi làm việc sáng. Cũng nên nói thêm là để bay chuyến 6 giờ nghĩa là tôi phải dậy từ kém 4 giờ với giấc ngủ chập chờn kiểu bật dậy vài chập xem đồng hồ vài lần vì sợ trễ. Thật không dễ gì cho một người không có thói quen “dậy sớm để thành công”. Rồi tôi cũng có mặt ở hàng ghế nơi cổng chờ lên máy bay lúc 5 giờ với tâm trạng khá thoải mái vì sẽ không bị trễ chuyến bay. Nhưng thật, người tính không bằng trời tính, khi loa tại sân bay vang lên thông báo vì thời tiết xấu nên chuyến bay sẽ bị hoãn. Cũng cần nhắc lại rằng, thời điểm đó, sân bay Cát Bi chưa có hệ thống hỗ trợ tại đường băng nên khi có mua to hay sương mù thì mọi chuyến bay đến hoặc đi đều bị hoãn. Từng phút đồng hồ cứ chầm chậm trôi qua, hết lần thông báo này đến lần thông báo khác, thời tiết vẫn xấu…Cứ sau mỗi lần thông báo của hãng bay thì hàng loạt tiếng thở dài đồng thanh vang lên kèm theo rải rác những tiếng chửi thề với nhiều ngữ điệu và cứ tăng dần theo thời gian chờ đợi. Không gian hỗn độn ấy, dẫn dắt tâm trạng của tôi từ bồn chồn, lo lắng đến bực bội. Tôi như người đứng giữa hai dòng nước, có nên điện cho toà để thông báo và xin hoãn lại cuộc gặp rồi huỷ luôn lịch làm việc buổi chiều hay cứ yên lặng và hy vọng chuyến bay sẽ vẫn kịp để mình đến toà để làm việc trong buổi sáng vì thời gian làm việc dự trù chỉ khoảng 30 phút và vẫn giữ được lịch làm việc buổi chiều đã sắp xếp trước.
Tôi vội vàng lấy điện thoại ra gọi báo cho cán bộ toà án, do thời tiết xấu nên chuyến bay bị chậm nên sẽ đến toà trễ hơn một chút. Đầu dây bên kia nhẹ nhàng trả lời đầy thông cảm: “Anh đến trước 12 giờ nhé”. Tôi thở phào, chắc là kịp rồi. Nhưng đây chỉ là điều tôi tưởng tượng trong lúc vạ vật ở hàng ghế chờ.
Sự thật là tôi không gọi cho ai cả và đánh cược với vận may của mình. Đến 8 giờ, chắc Hải Phòng đã hết mưa rồi, hành khách được thông báo chuẩn bị lên máy bay, tôi thì khấp khởi mừng thầm với vận may của mình. Hai mươi phút sau, máy bay cất cánh, tôi khoan khoái chờ đợi. Như hôm nay bay có vẻ lâu hơn bình thường, tôi nhìn chằm chằm vào đồng hồ của mình 10 giờ 25, rồi 10 giờ 35, máy bay vẫn chưa đáp. Máy bay hạ cánh lúc 10g40, tôi vội chạy ra ngoài bắt xe đi Thuỷ Nguyên với tâm trạng làm sao có thể đến nhanh nhất. Rồi tôi cũng đến được Thuỷ Nguyên lúc 11 giờ 20, tôi hơi chột dạ với quang cảnh vắng lặng hơn những lần trước đó. Tôi vội vàng rút điện thoại gọi cho cô cán bộ toà án, sau 3 cuộc gọi thì đầu dây bên kia vang lên “Đợi mãi mà không thấy anh tới nên em về rồi, 2 giờ chiều anh quay lại nhé”. Đây là sự thật, không phải tưởng tượng nào cả. Tôi lặng lẽ đút điện thoại trở lại vào túi, lững thững bước ra cổng, tiến về hàng trà đá nơi có mấy thanh niên đang ngồi tán gẫu.
Saigon tháng 7 năm 2022.
Hải Đào