Gia Lai, nghe đến cái tên là bạn cũng biết là một vùng đất Tây Nguyên khá xa và cách Thành phố Hồ Chí Minh hơn 500 km. Cũng vì khoảng cách địa lý này nên nhân chuyến công tác với khách hàng ở Gia Lai nên tôi cũng tranh thủ giải quyết tất cả những công việc có phát sinh ở Gia Lai như thu hồi xe, Tòa Án và đi gặp một số KH còn nợ quá hạn. Vì vậy tôi đã lên một kế hoạch khá chi tiết và rõ ràng trước chuyến công tác phù hợp với lịch bay khá ít chuyến ở Gia Lai: Đáp chuyến bay đến Gia Lai là 17h30, tôi sẽ nhận phòng khách sạn và nghỉ ngơi sau đó ngồi máy tính để sắp xếp cho lịch trình dày đặc ở ngày mai với dự kiến như sau:
“8h30 -10h làm việc với Khách hàng bàn giao xe, 10h – 12h đến Tòa án làm việc về các hồ sơ phát sinh, 13h – 16h đến gặp một số Khách hàng đang phát sinh nợ quá hạn, tôi nghĩ sau khi xong việc tôi có thể phè phởn làm một tô “phở khô Gia Lai” nức tiếng và ung dung ra sân bay để tiếp chuyến bay 17h30 về lại Sài Gòn.”
Nhưng nếu chuyện gì cũng nằm trong kế hoạch của tôi thì không có gì để kể cho các bạn nghe cả, mà thực tế thì nó thế này: Do Khách hàng ở Kontum nhưng lại muốn hẹn gặp ở Gia Lai nên 9h hơn Khách hàng mới lái xe đến (Tôi nghĩ rằng lý do các bạn cũng có thể hình dung được, vì Khách hàng không muốn ồn ào, hàng xóm dị nghị và cũng trao đổi với tôi rằng có người thân ở đây nên gặp đây cho tiện). Trước khi đến, tôi cũng cẩn thận gọi lại cho Khách hàng (Khách là nữ trung niên, đứng tên 1 mình vay, người mà tôi đã thuyết phục được việc thu hồi xe do không còn khả năng trả nợ), nhưng khi Khách hàng nghe điện thoại của tôi, thì tôi có nghe ngồi bên là một giọng của người đàn ông nên tôi hơi giật mình và lập tức đặt ra nhiều câu hỏi để ứng phó với tình huống phát sinh mới. Tôi tự hỏi liệu Khách hàng đi theo thêm 1 người có phải là “quân sư” ? hay chỉ là tài xế? vì các bạn cũng biết việc thuyết phục một người thu hồi tài sản của họ để xử lý nợ đã là chuyện không hề dễ dàng nhưng nay lại thêm một người nữa thực sự nó nằm ngoài kế hoạch của tôi vì có khả năng người này sẽ “xúi” Khách hàng không bàn giao xe hoặc gây cản trở việc thu hồi xe. Tôi bắt đầu lo lắng việc thu hồi xe sẽ khó khăn và khả năng “về tay không” tương đối cao.
Quả thật như tôi dự báo, người đàn ông đó chính là chồng của Khách hàng (đã li hôn trên danh nghĩa nhưng thực tế vẫn còn sống chung) người mà tôi chưa bao giờ liên hệ trước đây nên không biết sẽ gây khó khăn gì không, vì thế để phù hợp với tình hình mới và dò xét thái độ của chồng Khách hàng tôi đã làm giảm căng thẳng bằng việc dành 30 phút đầu chỉ để nói về “gia đình và cuộc sống”. Khi không khí đã được giải tỏa, tôi liền đề cập đến việc hôm nay tôi sẽ thu hồi xe để xử lý theo sự đồng ý của Khách hàng. Chưa dứt câu, chồng Khách hàng đã thay đổi thái độ 180 độ và cho biết sẽ không bàn giao gì hết mà chỉ bàn phương án cho Khách hàng thanh toán dần theo lộ trình để giảm nợ quá hạn. Tôi bắt đầu ngán ngẩm và cảm thẩy mệt mỏi vì công việc sẽ không thành, nhưng tôi cũng cố dành gần 2 tiếng để giải thích và chứng minh những điểm lợi và bất lợi khi Khách hàng không thực hiện phương án đã thống nhất, cũng như quan trọng hơn hết việc này nhằm giúp Khách hàng nhanh chóng xử lý được nợ xấu. Cuối cùng, chồng Khách hàng cũng đồng ý nhưng cẩn thận yêu cầu tôi đánh lại biên bản bàn giao, đi kiếm chỗ in, mới cho Khách hàng kí (mặc dù chồng Khách hàng không có liên quan đến khoản vay, nhưng Khách hàng tỏ ra sợ và khá nghe theo lời chồng) và ông ta cũng miễn cưỡng nói khía lại một câu với Khách hàng: “Hèn chi sáng nay, tôi thấy bà dọn đồ hết ra khỏi xe, tôi đang thắc mắc chưa hỏi, thì ra bà giấu tôi, đi bàn giao xe cho TFSVN”.
Và câu chuyện tới đây thôi thì tôi cũng mừng lắm rồi vì đã giải quyết tạm ổn. Nhưng không, Khách hàng bảo là để anh chị lái xe về rồi sẽ bàn giao cho em, thì trong đầu tôi cũng nghĩ bình thường vì Khách đã nói là có nhà bà ngoại ở Gia Lai nên chắc là ghé vào đấy khỏi đi taxi. Tôi cũng đồng ý và lên xe cùng đi, nhưng đi hơn 20km sao tôi thấy chưa đến mà lại ngày càng xa trung tâm, tôi mới hỏi : “Sao nhà anh chị xa nhỉ trung tâm vậy, đi hoài mà chưa thấy tới”. Khách hàng liền nói: “ Đâu, chị đang về nhà chị ở Kon Tum”, tới đây là tôi bắt đầu rụng rời chân tay rồi, tôi thầm nghĩ thôi tiêu rồi, kiểu này là đang đi vào hang cọp, tới nhà người ta thịt mình thì tiêu, hoặc nhẹ nhất là tới nhà rồi đổi ý và đuổi mình về thì cũng thua. Vào thời khắc đó, não tôi bắt đầu chạy hết công xuất để tìm ra phương án đối phó, một mặt tôi tiếp tục nói chuyện về “cuộc sống và gia đình” để tạo không khí thoải mái, mặt khác tôi tự nghĩ ra và liền than nhở rằng có một lịch xét xử ở Tòa án tỉnh Gia Lai lúc 13h30 nếu tôi không đến kịp thì sẽ rất khó khăn cho tôi vì vậy tôi đề nghị Khách hàng thông cảm đến nơi thì lập tức bàn giao xe để tôi còn về để kịp cho phiên Tòa ở Gia Lai, mục đích của tôi là cho Khách hàng không còn thời gian nào để suy nghĩ lại nữa. Về đến nhà Khách hàng, tôi cũng khá hồi hợp chờ đợi kết quả, ông ta mời tôi nước trà (nhưng ai mà dám uống, chỉ lo tìm cách từ chối), ông ta cẩn thận lấy kính đọc lại thêm một lần nữa biên bản bàn giao trước khi bàn giao đưa lên xe chuyên dụng chở đi.
Tôi cũng thở phào và trở lại Gia Lai cũng tầm gần 14h, tôi liền đi đến Tòa án Tp.Pleiku để tiếp tục giải quyết các hồ sơ tại đây. Các bạn cũng biết, vào cơ quan này thì người ta cho mình đợi dài cổ mới giải quyết công việc, tôi khá rảnh rỗi nên tự nhiên lại thấy đói bụng, tới đây tôi mới sực nhớ ra là mình chưa ăn trưa. Hơn 15h thì tôi rời khỏi Tòa, tranh thủ checking online vé máy bay và kiếm tạm ổ bánh mì dưới sự tư vấn của anh taxi dễ thương đã đợi tôi hơn 1 tiếng ở Tòa để tiếp tục chở đi gặp một số Khách hàng theo kế hoạch ban đầu. 17h tôi chạy ngay đến sân bay và cũng là một trong những người cuối lên máy bay. Kết thúc chuyến công tác đúng 24h ở Gia Lai, mà chả thấy “phở khô” ở đâu…
Đáng lẽ câu chuyện đến đây là hết rồi, nhưng tiện kể luôn ngoại truyện. Đó là về đến sân bay Tân Sơn Nhất cũng là một sự đau đầu, những ai từng đi thời điểm đó mới thấy, việc đón taxi rất khó khăn, tôi đã đứng ở đó đợi hơn 1 tiếng đồng hồ mới có xe. Đã mệt rồi mà có ông bảo vệ sân bay còn chọc ngoáy tôi: “Đã không có xe rồi, mà ở đó còn lựa chọn hãng taxi để đi, cứ mà ở đó tới khuya đi nha!”. Tôi cũng không trả lời lại, nhưng trong lòng tôi nghĩ: “Cty tui phát 2 thẻ của Mai Linh và Vinasun nãy giờ toàn hãng khác, sao tui đi ?” với lại hơn hết là giành không lại với những người đứng kế bên. Cười trừ tiếp tục đợi…
Qua câu chuyện các bạn cũng thấy được rằng công việc xử lý nợ giữa kế hoạch và thực tế tại hiện trường đôi khi rất khác xa nhau,việc quên cả bữa trưa cũng là chuyện thường ngày và quan trọng hơn là luôn có những tình huống phát sinh mà đòi hỏi người xử lý cần phải ứng xử tình huống nhanh và đưa ra các quyết định phù hợp với thực tế mới có thể giải quyết được nhanh chóng.
Trích trong nhật kí hành trình của tôi.!
22/07/22
Tú Nguyễn