Ngày thứ nhất:
05:00 khi mọi người còn đang say giấc sau một đêm mùa hè oi ả. Con gái tôi còn đang chóm chém nút ti giả, một chân còn gác lên người tôi để ngủ thì tiếng đồng hồ báo thức vội vang lên. Tôi vội vã với lấy cái điện thoại và nhanh chóng tắt chuông để cả nhà khỏi tỉnh giấc rồi dậy vệ sinh cá nhân để lên đường đi công tác.
06:00 tiếng chuông điện thoại vang lên, nghe máy lái xe đã chờ sẵn ở điểm đón. Ba lô trên vai, tôi đi bộ ra xe cách nhà 400m.
06:15 đi bộ ra đến nơi thì lái xe đang tranh thủ chợp mắt trên xe do phải dậy quá sớm để đi lấy xe ô tô và chạy xe qua nhà đón tôi.
Chúng tôi nhanh chóng xuất phát để kịp giờ làm việc ở tòa án do đường khá xa mà lại khó đi. Tuy nhiên, có thực mới vực được đạo, chúng tôi ghé vào quán phở ven đường gọi một bát phở Hà Nội để lót dạ.
07:00 chúng tôi lên đường đi đến những địa điểm xa xôi mà trong lòng không biết rằng chuyến đi này có được việc không hay là “lúc đi hết mình lúc về hết hồn”. Nhưng, phía trước đường còn dài và còn nhiều chông gai, phải biết hy vọng để có được một thành công.
Con đường đi lên các tỉnh Tây bắc thật chông gai, những con đường dài quanh co uốn lượn, những cánh rừng hai bên đường dường như cái đầu của một người đàn ông “hói” chỗ có rừng chỗ không, chỗ đồi trọc chỗ xanh ngát.
Đi được một đoạn hai tai đã bắt đầu ù ù như đi máy bay lúc lên và hạ cánh nhưng cảm giác dễ chịu hơn nhiều. Đi được một đoạn, xa xa có một con chó không biết làm gì mà chân phải nhấc cao lên và áp sát vào cột mốc ven đường, xong việc cậu ta bỗng nhiên quay đầu chạy ngang qua đường. Tài xế thấy thế phanh gấp nhưng rất may là không đụng vào nó, nếu không có phản xạ tốt chắc đã đụng vào con chó. Mà đâm vào chó thì “đen” hơn mực, có khi dân làng lao ra bắt vạ, thịt chó thì không được ăn mà có khi còn mất tiền.
Sau khi hoàn hồn tài xế lại đạp ga đi tiếp, được một đoạn. Chúng tôi dừng xe bên cạnh một con suối nhỏ để hút thuốc và nghỉ ngơi. Tài xế lắc đầu nói: “Tây bắc mùa này sao mà nóng dữ vậy, đứng cạnh con suối mà có cũng như không”. Tôi nói: “ nóng là đúng rồi, vừa ngồi trong xe điều hòa mát rượi, ra ngoài gió Lào thổi sang thì không nóng mới lạ”. Xong điếu thuốc lại lên đường đi tiếp cho kịp giờ làm việc ở tòa.
11:30 địa điểm đầu tiên đã đến. Do đã hẹn trước với tòa đầu giờ chiều làm việc nên chúng tôi phải chờ tới giờ mới vào làm việc.
Tranh thủ chờ làm việc chúng tôi đi ăn, đồ ăn ở tỉnh nhất là tỉnh miền núi thì không có nhiều sự lựa chọn. Lượn lờ một vài con phố trung tâm thị trấn cũng chỉ có vài quán phở nên đành ăn phở. Ghé vào một quán phở mà chúng tôi cho là được nhất ở đây gọi 2 bát phở bò. Quán này chỉ có một vài cái bàn ghế nhựa Song Long đã cũ và bạc màu. Trên bàn, một vài lát chanh đã khô do thời tiết nắng nóng. Rau thơm thì cái đã ủng đen, cái thì khô héo. Vài phút sau chủ quán mang 2 bát phở ra trông có vẻ ngon mắt nhưng ăn thì là phở lợn, sợi phở không được như phở Hà Nội. Ở đây người ta tự làm bánh phở bằng bột mì nhưng chấp nhận được ở một nơi rừng thiêng nước độc như vậy.
12:15 chúng tôi đến cổng tòa ngả ghế ra ngủ chờ đến giờ làm việc.
13:00 bảo vệ ra mở cổng, gọi điện cho thẩm phán để lên phòng làm việc, tiếng nhạc chờ kêu lên:
“Bản em lưng chừng núi, lưng chừng đèo
Từng bậc thang lên xuống như cung đàn ngân dài
Một lần đi tuần tra anh tới gặp em bên suối hát gì
Mà rừng ban nở trắng xinh cùng lặng nghe em hát”.
Vâng, tiếng nhạc chờ vẫn còn ngân dài mà anh còn đang ở lưng chừng đèo núi nào mà chưa nghe máy em vậy.
Chúng tôi lại tiếp tục chờ đến 14:04 một chiếc xe biển xanh lao thẳng vào sân tòa. Người trên xe mặt đỏ như Quan Vân Trường bước xuống và bước lên bậc thang của tòa án. Tôi tiếp tục gọi và được mời vào phòng làm việc 203. Thật bất ngờ Quan Vân Trường mà tôi nói chính là ngài thẩm phán cao quý “vừa đi tuần tra” về.
14:15 đã quá giờ hẹn nhưng khách hàng vẫn không đến. Thẩm phán lấy con iphone ra gọi cho khách hàng. Tiếng nhạc bản làng vang lên:
“Nhà em ở lưng đồi
Nơi chim rừng thánh thót
Bầu trời xanh dịu ngọt
Gió tràn về mênh mang…”
Nhìn ông bực mà tôi hiểu cảm giác của ông, cảm giác của ông cũng như cảm giác của tôi ban nãy vậy. Tôi lấy điện thoại ra gọi nhưng khách hàng cũng không nghe máy vậy là không được việc. Thẩm phán lập biên bản xong chúng tôi ra về, chặng đường tiếp theo là TP. Sơn La. Đường ngắn hơn nhưng đường quang co, không có đường cao tốc, một số đoạn bị sạt lở do mưa rừng.
19:00 chúng tôi dừng xe ở khách sạn, nhận phòng chúng tôi nghỉ ngơi một lát rồi đi ăn tối. Đặc sản ở đây không có gì ngoài thịt trâu tươi. Ẩm thực ở phố rừng khác hẳn ẩm thực ở phố bản: ngon, bổ và rẻ, đồ ăn toàn là trâu.
Ngày thứ 2:
Ngày này chúng tôi dành thời gian đi thu nợ và di chuyển dần về Hà Nội.
Theo địa chỉ của khách chúng tôi tìm đến Bản A, Thôn B, xã C, Huyện D. Đường vào nhà khách hàng nhỏ và hẹp, ở đây mỗi gia đình ở một quả đồi, sóng điện thoại chuyển mất dần, 3G chuyển sang E, không truy cập được mạng. Nếu muốn gọi điện thoại phải lên chỗ cao hoặc trèo lên cây để gọi – một người dân chia sẻ. Đi được một đoạn hỏi thăm người dân chỉ đi vào một con đường mà chỉ có xe máy hoặc xe đạp mới lọt vừa , không hiểu khách hàng mua ô tô để ở đâu. Tài xe dừng xe, tôi lóc cóc đi bộ nửa quả đồi giữa trời mùa hè oi ả. Đến nhà khách hàng bỏ hình CI do khách hàng cung cấp ra xem. Trời ơi, cái nhà này ở đâu ra vậy? Trong khi hình ảnh cung cấp là một căn nhà hai tầng khang trang màu vàng có hàng cau và cây xanh trước nhà. Còn nhà khách hàng đang ở lại là một căn nhà sàn đã cũ, phía dưới có vài con heo rừng đang ăn cây ngô. Lên nhà sàn ngồi làm việc bên trong không có gì ngoài một cái đài casset đã cũ để nghe radio, ở giữa nhà có một bếp củi đã nguội. Hỏi ra mới biết khách hàng vay mua xe cho con để chạy dịch vụ ở Hòa Bình, hiện con khách hàng đnag làm việc dưới đó. Còn căn nhà chụp khi vay thì không rõ là nhà của ai. Lập biên bản làm việc xong tôi thất vọng ra về nhưng lòng còn nhiều vương vấn về mảnh đất nơi đây.
Tiếp sau đó, tôi tiếp tục ghé thăm nhiều khách hàng khác để làm việc rồi về Hà Nội.
GÓC TÂM TÌNH – TRÁCH AI BÂY GIỜ
Bài viết này tôi viết về nỗi lòng của một người mẹ sửa sai cho hành vi phạm tội của cậu con trai đã lún sau vào sai lầm.
Cậu con trai đó, công danh địa vị đầy đủ gia đình đuề huề vợ đẹp con xinh. Nhưng chỉ vì sự tham lam của mình dẫn đến hành vi sai trái chiếm đoạt tiền của nhà nước và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngày ấy, tòa án đưa ra xét xử, Viện kiểm sát truy tố cậu con trai ấy về hai tội danh. Người mẹ ấy vì muốn giảm nhẹ hình phạt cho con đã vội vàng bán đi mảnh đất mà bao năm nay cha ông để lại để có tiền giảm nhẹ cho con.
Hôm đó, khi tôi đang tham gia phiên tòa với tư cách là người đại diện theo ủy quyền cho công ty. Phiên tòa đang diễn ra, người mẹ ấy gọi điện cho tôi trao đổi:
Người mẹ ấy: cô đã chuẩn bị được tiền rồi. Giờ cô muốn nộp tiền tất toán cho bên cháu để bên cháu xin giảm nhẹ cho con cô có được không?
Tôi: Được chứ cô
Người mẹ ấy: Vậy cô phải nộp tiền thế nào?
Tôi: Cô nộp tiền thẳng vào tài khoản bên cháu thôi
Người mẹ ấy: cháu có thể hướng dẫn cô nộp không
Tôi: Dạ được cô
15 phút sau người mẹ ấy đến cổng tòa và gọi điện cho tôi để dẫn bà đi nộp tiền. Nhưng người mẹ ấy không dám vào trong phòng xét xử vì sợ không cầm được nước mắt khi thấy con trai mình. Trong tay ôm một chiếc túi đã cũ sờn, đi quanh quẩn trước cổng tòa án chờ tôi ra.
Tôi cùng người mẹ ấy đi ra Phòng giao dịch của ngân hàng để nộp tiền. Trên đường đi tôi hỏi: “cô có mang dư tiền không? vì có thể ngân hàng sẽ thu thêm phí chuyển tiền?”. Người mẹ ấy nói: “cô cũng không mang dư, chỉ đủ nộp tiền cho bên cháu thôi. Nếu ngân hàng thu cháu cho cô xin tiền phí thu hộ được không?”. Tôi bảo: “thôi cô cứ nộp tiền đi, nếu họ thu phí thì cháu trả thay cô, cũng chỉ hơn 100,000 đồng thôi”. Người mẹ ấy nghẹn ngào rối rít cảm ơn tôi.
Nộp xong tiền, tôi quay trở lại tòa án và đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho cậu con trai ấy để sớm về đoàn tụ với gia đình.
Trong câu chuyện này, nước mắt của người mẹ làm tôi cảm động. Những giọt nước mắt ấy luôn luôn thường trực trên khóe mắt của người mẹ ấy, lúc khô lúc ướt. Mà vì tình thương của người mẹ dành cho con mà phải hy sinh và đánh đổi. Rồi không biết sau này họ sẽ sống ở đâu khi mảnh đất cắm dùi đã bán đi. Và sau 19 năm thụ án, cậu con trai ấy sẽ nghĩ gì và cảm gì về tình cảm người mẹ dành con cho con.
Toản Nguyễn